Gãy cổ xương đùi là gì?
Gãy cổ xương đùi là tình trạng gãy tại vị trí giữa chỏm xương đùi và khối mấu chuyển. Đây là dạng gãy xương thường gặp, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Cổ xương đùi có các đặc điểm về giải phẫu và chức năng khiến cho tình trạng gãy xương nơi đây được xem là nặng, khó điều trị, có thể để lại nhiều di chứng, cụ thể:
- Xương đùi là xương lớn. Cấu trúc xương tại vùng cổ xương đùi có hai hệ thống bè xương, hệ thống bè quạt tại vùng cổ chỏm xương đùi và hệ cung nhọn tại vùng mấu chuyển. Khu vực giữa hai hệ thống bè xương là điểm yếu nhất của cổ xương đùi (tam giác ward). Khu vực này là điểm dễ gãy nhất .
- Hệ thống động mạch nuôi chỏm xương đùi rất nghèo nàn, lại đi cạnh ngang qua cổ xương đùi. Vì thế, khi cổ xương đùi bị gãy, phần lớn những mạch máu nuôi chỏm đều bị tổn thương, từ đó có nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi rất cao.
- Cổ xương đùi nằm hoàn toàn bên trong bao khớp. Vì thế, khi gãy xương, máu tụ trong bao khớp làm tăng áp lực lên ổ khớp, tổn thương mạch máu nuôi khớp dẫn tới tình trạng hoại tử chỏm xương đùi.
Nguyên nhân gãy cổ xương đùi:
- Chấn thương: Người lớn tuổi chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng có khả năng tiến triển thành tình trạng này. Trong khi đó, những người trẻ tuổi thường gặp ở bệnh cảnh chấn thương nặng, đa chấn thương.
- Bệnh lý: Những bệnh lý làm giảm chất lượng xương có khả năng gây gãy cổ xương đùi như loãng xương, viêm xương, u xương, ung thư di căn xương…
Dấu hiệu cổ xương đùi bị gãy
- Sau té ngã, người bệnh bị đau tại vùng háng. Cơn đau tăng khi gõ dồn vào gót chân hay ấn vào nếp lằn bẹn hay xoay bàn chân.
- Mất vận động một phần hay toàn phần , không tự nhấc gót chân lên khỏi mặt đất.
- Chân tổn thương bị ngắn hơn chân còn lại và bàn chân xoay ra ngoài.
- Chụp X-quang khung chậu và khớp háng bên tổn thương sẽ thấy hình ảnh tình trạng cổ xương đùi bị gãy.
Biến chứng khi bị gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:
1. Biến chứng sớm
Biến chứng sớm gồm những biến chứng cấp tính, xuất hiện ngay khi cổ xương đùi bị gãy và những biến chứng liên quan tới tình trạng nằm lâu và bất động lâu, cụ thể:
2. Biến chứng cấp tính
Những biến chứng cấp có thể xảy ra như sốc mất máu, sốc do đau, tắc mạch mỡ (do mỡ từ ổ gãy xương xâm nhập vào hệ tuần hoàn). Các biến chứng này có thể làm nghiêm trọng thêm các bệnh lý tim mạch, hô hấp có sẵn ở người bệnh.
3. Các biến chứng liên quan tới nằm lâu, bất động lâu
Khi nằm lâu và bất động lâu do chấn thương cổ xương đùi, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch chi dưới, huyết khối động mạch phổi, loét tỳ đè, nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu..), teo cơ, suy dinh dưỡng…
4. Các di chứng của gãy cổ xương đùi
- Hoại tử chỏm xương đùi: Di chứng này xảy ra do mất tuần hoàn nuôi chỏm, tuần hoàn tái tạo không đủ để đáp ứng nhu cầu.
- Khớp giả.
- Kết hợp xương thất bại.
- cứng khớp
- Những di chứng này sẽ gây đau, biến dạng chi, hạn chế hoạt động, sinh hoạt của người bệnh.
Điều trị
Điều trị bảo tồn: Các phương pháp điều trị bảo tồn với người bệnh gãy cổ xương đùi gồm bó bột, kéo liên tục, nẹp chống xoay.
Phẫu thuật: Bệnh nhân nên được chuyển sớm tới bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Do phần lớn các trường hợp gãy cổ xương đùi đều cần can thiệp phẫu thuật.
Có 2 phương pháp thường được chỉ định tùy thuộc loại gãy xương và tình trạng sức khỏe của người bệnh, cụ thể:
- Kết hợp xương: Phương pháp này sử dụng đinh, vít, nẹp… để cố định ổ gãy, hỗ trợ liền xương. Ưu điểm là cố định vững, vận động sớm sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng bất động lâu và liền xương khá cao, có thể bảo tồn được chỏm.
- Thay khớp háng:
- Thay khớp háng bán phần: Người bệnh chỉ thay thế phần chỏm xương đùi, không thay thế ổ cối.
- Thay khớp háng toàn phần: Người bệnh được thay toàn bộ phần mặt khớp của xương đùi và ổ cối.
Vật lý trị liệu ( Phục hồi chức năng)
Sau mổ người bệnh cần được hướng dẫn tập vật lý trị liệu nhằm khôi phục vận động, dần trở về cuộc sống bình thường.
Phục hồi chức năng gãy cổ xương đùi là việc áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu kết hợp với thuốc. Các phương pháp này có tác dụng thúc đẩy quá trình liền xương, phục hồi chức năng vận động của khớp háng, khớp gối. Người bệnh đồng thời còn phòng ngừa được các biến chứng như: teo cơ, cứng khớp và giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống.
Vì vậy, người bệnh cần kết hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sau điều trị gãy xương đùi để đẩy nhanh quá trình phục hồi và đạt được nhiều lợi ích như:
- Giảm đau, giảm phù nề.
- Khôi phục dáng đi và khả năng di chuyển, từ đó rút ngắn thời gian phục hồi.
- Giảm thiểu nguy cơ tái phát, biến chứng về khi về già.
Những chú ý khi phục hồi chức năng sau gãy cổ xương đùi
- Nên tập sớm nhất có thể, vì để càng lâu thì khả năng teo cơ cứng khớp cao hạn chế khả năng phục hồi như bình thường.
- Tập đều đặn tăng dần theo sức chịu đựng và bài tập phù hợp với giai đoạn của bệnh. Tập đúng theo hướng dẫn, đề phòng tai biến khi tập không đúng cách
- Tập chung vào tập vận động tăng cường sức cơ và tăng tầm vận động của khớp.
- Không nên đắp hay bôi các loại cao lá không rõ nguồn gốc.